Tạp chí Người cao tuổi, Tạp chí Ngày mới online nhận Văn bản số 39/CTHADS, ngày 12/1/2022 (gọi tắt “Văn bản số 39”) của Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Long An do Cục trưởng Bùi Phú Hưng kí, gửi đến Cục Báo chí – Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Người cao tuổi Việt Nam, đề nghị “cải chính thông tin thi hành án dân sự” liên quan đến quá trình tổ chức thi hành Phán quyết Trọng tài ngày 25/4/2013 giữa China Policy Limited (Công ty CPL) và Công ty Cổ phần địa ốc Hồng Phát (Công ty Hồng Phát). Để rộng đường dư luận, thực hiện quy định của Luật Báo chí, Tạp chí Ngày mới online đăng nội dung Văn bản số 39, và có một số ý kiến về nội dung văn bản này.
Trụ sở Công ty Cổ phần địa ốc Hồng Phát
Bản đồ quy hoạch định chi tiết 1/500 của Dự án
Nội dung văn bản của Cục trưởng Cục THADStỉnh Long An
“Ngày 4, 9 và 14 tháng 9 năm 2021, Tạp chí Ngày mới online có bài viết với tên bài: “Khẳng định phán quyết Trọng tài không thực hiện được, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An vẫn cố tình làm trái?”. Nội dung phản ánh Cục THADS tỉnh Long An thi hành Phán quyết Trọng tài trong vụ kiện số 29/12 ngày 25/4/2013 giữa Công ty CPL và Công ty Hồng Phát.
Qua nội dung thông tin Tạp chí, ngày 22/9/2021, Cục THADS tỉnh Long An có công văn số 846/CTHADS, đề nghị cải chính thông tin báo chí về THADS, Cục THADS tỉnh Long An có ý kiến như sau:
“1. Cục THADS tỉnh Long An đang tổ chức thi hành Phán quyết Trọng tài trong vụ kiện số 29/12 ngày 25/4/2013 của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam đã được Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh có Quyết định số 1171/2013/KDTM–ST ngày 25/9/2013, không hủy Phán quyết trọng tài và đến nay chưa có văn bản của cơ quan có thẩm quyền nào kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm hay tái thẩm nên Cục THADS tỉnh Long An phải tổ chức thi hành Phán quyết Trọng tài theo quy định của Luật THADS.
2. Trong quá trình giải quyết việc THADS có khó khăn phức tạp, việc thi hành án đến nay chưa kết thúc là do lỗi của Công ty Hồng Phát và Công ty CPLchưa tự nguyện thỏa thuận thành lập Công ty liên doanh theo nội dung Phán quyết Trọng tài; các bên đương sự có đơn thư khiếu nại, tố cáo Chấp hành viên và Cục THADS tỉnh Long An gửi các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương và Trung ương và đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật. Cục THADS tỉnh Long An đang tập trung giải quyết việc thi hành án trên theo đúng quy định của pháp luật THADS.
3. Việc Tạp chí Ngày mới online có các bài viết nêu trên phản ánh chưa chính xác quá trình tổ chức thi hành án nên Cục THADS tỉnh Long An đề nghị Hội người cao tuổi Việt Nam có bài viết cải chính theo Điều 42 và Điều 43 của Luật Báo chí năm 2016″.
Đến nay, Cục THADS tỉnh Long An chưa nhận được phản hồi thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật Báo chí năm 2016, nhưng ngày 16/11/2021, Tạp chí Ngày mới online lại tiếp tục có bài viết: Diễn biến mới về vụ tranh chấp “Thỏa thuận khung” Dự án khu dân cư cao cấp và trường đua ngựa 500 ha ở tỉnh Long An: Nhiều dấu hiệu sai phạm của Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An và ngày 31/12/2021 Tạp chí Ngày mới online có bài viết: Tranh chấp “Thỏa thuận khung” Dự án khu dân cư cao cấp và trường đua ngụa 500 ha ở tỉnh Long An: cần chấm dứt ngăn chặn 232,66ha đất, để tránh gây thêm hậu quả không thể khắc phục.
Nội dung các bài viết nêu trên của Tạp chí Ngày mới online phản ánh chưa chính xác quá trình tổ chức THADS của Cục THADS tỉnh Long An; phản ánh những nội dung, dùng từ ngữ dễ gây hiểu nhầm trong dư luận và xúc phạm đến cá nhân của Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An và Cục THADS tỉnh Long An trong khi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa có bất cứ một văn bản, kết luận nào cho rằng Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An và Cục THADS tỉnh Long An vi phạm pháp luật như các bài viết Tạp chí Ngày mới online đã nêu.
Với những lý do nêu trên, Cục THADS tỉnh Long An đề nghị: Cục Báo chí Bộ Thông tin và truyền thông, Lãnh đạo Hội Người cao tuổi Việt Nam, Lãnh đạo Tạp chí Ngày mới online xem xét lại toàn bộ nội dung các bài viết của nêu trên của Tạp chí và có thông tin cải chính theo Điều 42 và Điều 43 của Luật Báo chí năm 2016″.
Văn bản số 39/CTHADS, ngày 12/1/2022 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An
Văn bản số 458/CV-CTHADS ngày 5/10/2018 của Cục THADS tỉnh Long An
Trao đổi của Tạp chí Người cao tuổi về các nội dung của Văn bản số 39
Một, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An Bùi Phú Hưng cho rằng Tạp chí Ngày mới online phản ánh chưa chính xác quá trình tổ chức thi hành án; dùng từ ngữ dễ gây hiểu nhầm trong dư luận và xúc phạm đến cá nhân của Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An và Cục THADS tỉnh Long An.
Trong khi, Khoản 1, Điều 42 Luật Báo chí năm 2016 “cải chính trên báo chí”, quy định:”Cơ quan báo chí thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì phải đăng, phát lời cải chính, xin lỗi trên báo chí và thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đó”. Căn cứ quy định này, Tạp chí Ngày mới online không có cơ sở để đăng “thông tin cải chính” theo đề nghị của Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An. Bởi lẽ, trong Văn bản số 39, ông Cục trưởng không nêu cụ thể phần nội dung hay chi tiết nào của loạt bài đã đăng phản ánh chưa chính xác quá trình tổ chức thi hành án? Từ ngữ nào dễ gây hiểu nhầm trong dư luận và xúc phạm đến cá nhân của ông Cục trưởng và Cục THADS tỉnh Long An?
Thực tế, loạt bài đăng trên Tạp chí Ngày mới online có nội dung rõ ràng, chính xác; không dùng từ ngữ nào “dễ gây hiểu nhầm trong dư luận và xúc phạm đến cá nhân của Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An và Cục THADS tỉnh Long An”.
Hai, Văn bản số 39 khẳng định: Về thi hành Phán quyết Trọng tài, “đến nay chưa có văn bản của cơ quan có thẩm quyền nào kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm hay tái thẩm”!
Tuy nhiên, khẳng định này là “đúng” nhưng chưa “đủ”! Bởi nói “chưa”, chứ không nói là “không”. Do vậy, những bất cập mâu thuẫn trong thi hành Phán quyết Trọng tài, vẫn có thể phản ánh, kiến nghị giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Ba, Văn bản số: 39 cho rằng: “Việc thi hành án đến nay chưa kết thúc là do lỗi của Công ty Hồng Phát và Công ty CPL chưa tự nguyện thỏa thuận thành lập Công ty liên doanh theo nội dung Phán quyết Trọng tài”.
Trong khi, hồ sơ thi hành án thể hiện Công ty CPL có văn bản chính thức đề nghị chia đất Dự án (thực chất đây là việc làm trái Phán quyết Trọng tài). Và trong các bài viết của Tạp chí Ngày mới online đã có phản ánh chính xác điều này. Sao các chấp hành viên, Cục trưởng Bùi Phú Hưng và Cục THADS tỉnh Long An không có ý kiến gì về sự thật này?
Bốn, Văn bản số: 39 khẳng định: “Cục THADS tỉnh Long An đang tập trung giải quyết việc thì hành án trên theo đúng quy định của pháp luật thi hành án dân sự”.
Tuy nhiên, thực tế Chấp hành viên, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An và Cục THADS tỉnh Long An đã đồng thuận với việc ban hành Quyết định 07/QĐ-CTHADS (Quyết định 07) ngày 18/12/2018, do Chấp hành viên THADS tỉnh Long An Đặng Hoàng Yên kí, phong toả toàn bộ 13 Quyền sử dụng đất với 232,66ha của Công ty Hồng Phát và Quyết định 06/QĐ-CTHADS (Quyết định 06) ngày 6/3/2019 do Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An Bùi Phú Hưng kí “giữ y Quyết định 07”. Trong khi Luật THADS không có nội dung của điều khoản nào quy định: Để thi hành Phán quyết Trọng tài, thì được kê biên tài sản của Công ty Hồng Phát. Như vậy, có dấu hiệu rõ ràng làm trái như thế này, sao Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An Bùi Phú Hưng lại khẳng định: “Cục THADS tỉnh Long An đang tập trung giải quyết việc thì hành án trên theo đúng quy định của pháp luật thi hành án dân sự”?
Xin nói rõ thêm về thi hành Phán quyết Trọng tài
Liên quan đến Phán quyết Trọng tài của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam -VIAC, suốt hơn 3 năm Báo (nay là Tạp chí) Người cao tuổi đã có nhiều loạt bài điều tra, phân tích, chỉ rõ Phán quyết Trọng tài có ít nhất 3 điểm sai nghiêm trọng, lộ rõ vi Hiến, khi bức ép, cưỡng buộc 2 doanh nghiệp như “nước với lửa” thành lập Công ty liên doanh:
Theo quy định của Luật Đầu tư và các quy định pháp luật khác có liên quan, việc thành lập Công ty liên doanh phải do “ý chí tự nguyện” của các bên đương sự, không ai được làm thay. CPL đã tự biến mình thành đối nghịch, xem Công ty Hồng Phát như kẻ thù “không đội trời chung”. Thể hiện một CPL đầy mưu mô, thủ đoạn, sẵn sàng triệt hạ chủ đầu tư. Thế nhưng Hội đồng VIAC (gồm ba ông Nguyễn Chính, Đặng Hùng Võ và ông Chu Khắc Hoài Dương) lại buộc ép hai bên như “nước với lửa” cùng “sánh đôi”, việc này là thể hiện trái với quy định của pháp luật, cũng không hợp với lẽ thường. Đây là cái sai nghiêm trọng thứ nhất.
CPL đến từ “thiên đường thuế” BVI, có dấu hiệu muốn làm ăn “chui”, thể hiện vi phạm pháp luật Việt Nam. Rõ ràng, với một CPL 3 không: Không xin phép mở Văn phòng đại diện; không lập hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đầu tư dự án; không mở tài khoản và đăng ký với Ngân hàng Nhà nước khi chuyển 15,6 triệu USD vào Việt Nam…, thì không đủ điều kiện để đứng tên trong Công ty liên doanh theo quy định của Luật Đầu tư năm 2005. Nhưng Hội đồng VIAC lại hết lòng “thương”, cho CPL như ý, vậy thì hai bên sẽ lập “liên doanh” theo kiểu nào? Đây là cái sai nghiêm trọng thứ hai.
Liên quan đến khoản 15,6 triệu USD “tạm ứng” cho Dự án: CPL chuyển ngoại tệ vào Việt Nam khi chưa được cấp phép đầu tư cũng như chưa được cấp phép hoạt động thương mại tại Việt Nam, là thể hiện dấu hiệu làm trái quy định của pháp luật về đầu tư và thương mại. CPL cũng không đăng ký với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, là thể hiện có dấu hiệu chuyển “lậu”, lộ rõ vi phạm pháp luật hình sự. Không loại trừ khả năng, số ngoại tệ này là “tiền đen”, đưa vào Việt Nam với mục đích “rửa tiền”. Hội đồng VIAC chẳng những không làm rõ mà còn “hợp thức hóa” cho CPL bằng việc công nhận số ngoại tệ này rồi lấy làm căn cứ để tính “phí trọng tài” đến 114.207,16 USD. Đây là cái sai nghiêm trọng thứ ba.
Chỉ ra nhiều điểm bất thường, Công ty Hồng Phát có đơn đề nghị tòa án hủy Phán quyết Trọng tài. Dù hàng loạt vi phạm đã bày ra trước mắt, nhưng ngày 25/9/2013, TAND TP Hồ Chí Minh với bộ 3 thẩm phán Nguyễn Công Phú (chủ tọa), Nguyễn Thu Chinh và Phạm Thị Duyên, ra Quyết định số 1171/2013/KDTM-ST “không hủy Phán quyết Trọng tài”.
Việc tổ chức thi hành Phán quyết Trọng tài và tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến quá trình thi hành án là trách nhiệm của Cục THADS tỉnh Long An cũng như cá nhân ông Cục trưởng. Cho đến nay, chưa có cơ quan thẩm quyền nào kết luận Cục THADS tỉnh Long An cũng như cá nhân Cục trưởng Bùi Phú Hưng đã “làm đúng”, và không vi phạm pháp luật. Trong khi đó, Tạp chí Ngày mới online đã chứng minh dấu hiệu sai phạm rất rõ ràng trong quá trình tổ chức thi hành Phán quyết Trọng tài cũng như giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cần lưu ý, Tạp chí Ngày mới online sử dụng từ “dấu hiệu” hay “lộ rõ dấu hiệu”, “lộ rõ hành vi”, chứ không kết luận hay quy buộc.
Thi hành án kéo dài, lỗi do ai?
Tạp chí Ngày mới online nhận thấy: Cục trưởng Bùi Phú Hưng quy kết “Việc thi hành án đến nay chưa kết thúc là do lỗi của Công ty Hồng Phát và Công ty CPL chưa tự nguyện thỏa thuận thành lập Công ty liên doanh theo nội dung Phán quyết Trọng tài”, là không đúng với thực tế đã và đang diễn ra.
Có 3 nguyên nhân cốt yếu khiến việc thi hành án sau gần 8 năm vẫn chưa kết thúc, và sẽ còn kéo dài:
Thứ nhất, như vừa trình bày ở phần trên, việc “thỏa thuận thành lập Công ty liên doanh” là hoàn toàn mang tính tự nguyện. Chính Cục trưởng Bùi Phú Hưng đã khẳng định điều này trong Văn bản số 39 cùng hàng loạt văn bản khác. Vậy mà Phán quyết Trọng tài lại cưỡng buộc Công ty Hồng Phát và CPL phải “thành lập Công ty liên doanh”, đây rõ ràng là trái với quy định của pháp luật về Quyền tự do kinh doanh (sẽ được phân tích, chỉ ra ở phần sau).
Thứ hai, hồ sơ thi hành án thể hiện rõ, với tư cách là chủ đầu tư duy nhất của Dự án, Công ty Hồng Phát dù nhận ra Phán quyết Trọng tài “3 sai”, vi Hiến nhưng luôn có thiện chí thực hiện vì càng để kéo dài, thiệt hại càng lớn, chủ đầu tư phải gánh chịu toàn bộ. Ngược lại, Công ty CPL là nguyên đơn khởi kiện để có Phán quyết Trọng tài “như ý” nhưng không thực hiện mà tìm cách kéo dài. Bằng chứng là suốt gần 3 năm qua, CPL trước sau chỉ muốn “khai tử” Phán quyết Trọng tài, đòi “chia đất” của Dự án. Đây là nguyên nhân khiến việc thi hành án kéo dài (sẽ được phân tích, chỉ rõ ở phần sau).
Thứ ba, việc thi hành án kéo dài còn do Cục THADS tỉnh Long An lộ rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật. Trong đó, thể hiện rõ nhất là việc các Chấp hành viên và Cục trưởng Bùi Phú Hưng đã kí hàng loạt văn bản “nóng, lạnh”, theo kiểu “sáng nắng, chiều mưa, trưa u ám”… Đỉnh điểm là Quyết định 07/QĐ-CTHADS ngày 18/12/2018 (gọi tắt là “Quyết định 07”), do Chấp hành viên Đặng Hoàng Yên kí, phong toả toàn bộ 13 Quyền sử dụng đất với 232,66ha của Công ty Hồng Phát và Quyết định 06/QĐ-CTHADS (Quyết định 06) ngày 6/3/2019, do Cục trưởng Bùi Phú Hưng kí “giữ y Quyết định 07”. Cả 2 Quyết định này được ban hành theo yêu cầu của CPL, nhằm thực thi Phán quyết Trọng tài. Trong khi đó, CPL lợi dụng 2 Quyết định này để chống phá Dự án, đẩy chủ đầu tư vào đường cùng, dẫn đến nguy cơ phá sản sau khi đã đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng vào Dự án (sẽ được phân tích, chỉ rõ ở phần sau).
Dấu hiệu trái pháp luật của Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An
Suốt hơn 3 năm qua, Tạp chí Ngày mới online có nhiều loạt bài điều tra, phân tích, chỉ ra hàng loạt dấu hiệu vi phạm pháp luật của Cục THADS tỉnh Long An, trong đó, thể hiện rõ nhất là trách nhiệm của Cục trưởng Bùi Phú Hưng liên quan đến việc thi hành Phán quyết Trọng tài. Nhân đây, chúng tôi nêu lại một số vấn đề cốt lõi để chứng minh loạt bài viết của Tạp chí Ngày mới online là hoàn toàn có căn cứ xác thực.
Hồ sơ thể hiện: Ngày 1/10/2014, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An lúc đó là ông Nguyễn Văn Gấu, kí Quyết định thi hành án số 01/QĐ-CTHA, với 2 nội dung: Thành lập Công ty liên doanh và nộp “phí trọng tài” hơn 114.200 USD (Hồng Phát chịu 80%, CPL 20%).
Trước khi “hạ cánh” vào giữa năm 2018, Cục trưởng Nguyễn Văn Gấu có gần 4 năm để chỉ đạo thi hành Phán quyết Trọng tài “3 sai” nhưng không mang lại kết quả vì Cục THADS tỉnh Long An không thể nào ép buộc Công ty Hồng Phát và CPL đàm phán thoả thuận thành lập Công ty Liên doanh, trong khi hai bên đang có xảy ra nhiều mâu thuẫn gay gắt, không thể hóa giải. Thêm vào đó, Luật Đầu tư năm 2014 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015) đã bãi bỏ hình thức đầu tư “Công ty liên doanh”. Nếu thi hành theo Phán quyết Trọng tài, lập Công ty liên doanh sẽ trái với Luật Đầu tư 2014.
Thay vì gửi văn bản đề nghị VIAC và TAND TP Hồ Chí Minh có ý kiến về Phán quyết Trọng tài bị “nghẽn”, thì ông Nguyễn Văn Gấu phớt lờ. Ngược lại, vị Cục trưởng và Chấp hành viên “sốt sắng” thực hiện theo yêu cầu của CPL, hết lòng “yểm trợ” doanh nghiệp đến từ “Thiên đường thuế” số 1 thế giới, thể hiện mục đích muốn bóp chết Dự án với mưu đồ riêng.
Theo yêu cầu của CPL, ngày 18/9/2017, Chấp hành viên Cục THADS tỉnh Long An Võ Văn Xuân kí Công văn 525/CTHA, ra lệnh phong tỏa toàn bộ 13 Quyền sử dụng đất của Công ty Hồng Phát nhằm chặn đứng nguồn huy động vốn của Chủ đầu tư để phát triển dự án.
Công văn 525/CTHA ngày 18/9/2017 do Chấp hành viên Cục THADS tỉnh Long An Võ Văn Xuân kí
Công văn 525/CTHA trái pháp luật cả hình thức lẫn nội dung. Về hình thức: Để ngăn chặn tài sản, Chấp hành viên phải kí ban hành một quyết định theo biểu mẫu quy định tại Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 1/2/2016 của Bộ Tư pháp. Về nội dung: Phán quyết Trọng tài không có nội dung nào buộc Công ty Hồng Phát phải có nghĩa vụ tài chính đối với CPL và cũng không yêu cầu ngăn chặn tài sản của Công ty Hồng Phát. Mặc khác, khi 13 Quyền sử dụng đất đã bị ngăn chặn thì Hồng Phát sẽ không đủ điều kiện để góp vốn bằng Quyền sử dụng đất này vào Công ty liên doanh, theo quy định tại Điều 188 Luật Đất đai.
Khi lên thay ông Nguyễn Văn Gấu làm Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An ngày 2/7/2018, ông Bùi Phú Hưng đã có trong tay Văn bản số 123/BC-BTP ngày 4/6/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ toàn bộ quá trình thi hành Phán quyết Trọng tài. Văn bản này kết luận 2 vấn đề mấu chốt:
- Phán quyết Trọng tài buộc 2 bên thành lập Công ty liên doanh rất khó thi hành trên thực tế. Bởi, theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật khác có liên quan, việc thành lập Công ty liên doanh phải do ý chí tự nguyện của các bên đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác (kể cả cơ quan THADS) không thể thực hiện thay.
- Không có cơ sở để áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản của Công ty Hồng Phát theo Điều 71 của Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014.
Văn bản số 123/BC-BTP ngày 4/6/2018 của Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ toàn bộ quá trình thi hành Phán quyết Trọng tài
Văn bản số 123/BC-BTP đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý thông qua tại Văn bản số 8248/VPCP-V.I ngày 31/8/2018 của Văn phòng Chính phủ. Đồng thời, Thủ trướng Chính phủ chỉ đạo rõ trong Văn bản số 8248: “Nếu có tranh chấp về việc góp vốn và bồi thường thiệt hại trong việc thực hiện Thỏa thuận khung giữa hai công ty, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Viện KSND Tối cao, UBND tỉnh Long An hướng dẫn các công ty khởi kiện tại Toà án nhân dân để giải quyết theo quy định của pháp luật”.
Văn bản số 8248/VPCP-V.I ngày 31/8/2018 của Văn phòng Chính phủ
Với Văn bản số 123 và Văn bản số 8248, kèm theo hồ sơ, Cục trưởng Bùi Phú Hưng đã nhận ra Phán quyết Trọng tài không thể thi hành trên thực tế. Chính vì thế nên Cục trưởng Bùi Phú Hưng đã kí Văn bản số 458/CV-CTHADS ngày 5/10/2018, gửi TAND TP Hồ Chí Minh (nơi công nhận Phán quyết Trọng tài “3 sai”), xác định: Để thực hiện Phán quyết Trọng tài, Cục THADS đã nhiều lần tạo điều kiện cho hai bên thỏa thuận thành lập Công ty liên doanh, tuy nhiên, đến nay việc thỏa thuận vẫn không có kết quả. Từ đó, Cục trưởng Bùi Phú Hưng kết luận: Cục THADS tỉnh Long An thông báo về việc không thực hiện được nội dung của Phán quyết Trọng tài về việc “thành lập Công ty liên doanh” và đề nghị TAND TP Hồ Chí Minh có hướng dẫn xử lý, thông báo với các đương sự thực hiện các quyền của mình theo quy định của pháp luật và sự chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại Văn bản số 8248/VPCP-V.I.
“Quyền” của các đương sự mà Cục trưởng Bùi Phú Hưng đề cập chính là quyền khởi kiện tại Toà án nhân dân tranh chấp về việc góp vốn và bồi thường thiệt hại trong việc thực hiện Thỏa thuận khung giữa Công ty Hồng Phát và CPL theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Chính Cục trưởng Bùi Phú Hưng tại cuộc họp “giải quyết việc thi hành Phán quyết Trọng tài” ngày 17/10/2018, đã hướng dẫn các bên khởi kiện tại Tòa án nhân dân.
Biên bản cuộc họp ngày 17/10/2018 do Cục trưởng Bùi Phú Hưng chủ trì hướng dẫn các bên khởi kiện ra Toà án
Cũng trong biên bản cuộc họp ngày 17/10/2018 và tại hàng loạt văn bản khác, Cục trưởng Bùi Phú Hưng luôn khẳng định: Không thể ngăn chặn, cưỡng chế kê biên tài sản (13 Quyền sử dụng đất) của Công ty Hồng Phát, căn cứ theo Điều 69, Điều 71 Luật THADS sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014. Cụ thể: khoản 4 Điều 69 Luật THADS quy định:”Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có căn cứ xác định tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án, Chấp hành viên phải ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Chương IV của Luật này; trường hợp có căn cứ xác định tài sản không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án thì Chấp hành viên phải ra quyết định chấm dứt việc tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản”.
Đồng thời, Cục trưởng Bùi Phú Hưng nhấn mạnh: Khi các bên đã thành lập được Công ty liên doanh mà Công ty Hồng Phát không đưa 13 Quyền sử dụng đất góp vốn vào Công ty liên doanh thì Cơ quan THADS sẽ xem xét cưỡng chế theo quy định của pháp luật về THADS.
Bởi các căn cứ pháp luật vững chắc vừa nêu trên, ngày 29/11/2018, Cục trưởng Bùi Phú Hưng kí Văn bản số 493/BC-CTHADS gửi các cơ quan chức năng, xác định: Cục THADS tỉnh Long An đã ban hành văn bảnsố 682/CTHADS-NV “chấm dứt hiệu lực Công văn số 525/CTHA ngày 18/9/2017”.
Văn bản số 493/BC-CTHADS ngày 29/11/2018, do Cục trưởng Bùi Phú Hưng kí
Như vậy, sau khi thay ông Nguyễn Văn Gấu làm Cục trưởng, ông Bùi Phú Hưng đã xác định rõ: Không thi hành được Phán quyết Trọng tài vì việc thành lập Công ty liên doanh là tự nguyện, không ai được ép buộc hay làm thay kể cả Cơ quan THADS; tranh chấp trong việc thực hiện Thỏa thuận khung cũng như các vấn đề khác có liên quan thì các bên khởi kiện tại Tòa án để xem xét, giải quyết; không có cơ sở để cưỡng chế kê biên 13 Quyền sử dụng đất của Công ty Hồng Phát… Đây cũng là quan điểm của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS.
Việc Cục trưởng Bùi Phú Hưng kí Văn bản số 458/CV-CTHADS ngày 5/10/2018 gửi TAND TP Hồ Chí Minh là đúng đắn, có đầy đủ căn cứ. Với trách nhiệm của mình, lẽ ra, Cục trưởng Bùi Phú Hưng phải xử lý việc thi hành án theo quy định của pháp luật, tức là phải tiếp tục kí Văn bản đề nghị TAND TP Hồ Chí Minh và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam – VIAC có ý kiến đối với Phán quyết Trọng tài “3 sai”, có dấu hiệu vi Hiến, không thể thi hành trên thực tế. Đằng này, Cục trưởng Bùi Phú Hưng bất ngờ ngoặt sang hướng khác, có dấu hiệu quay sang “tiếp sức” cho CPL, bằng việc kí một loạt văn bản thể hiện sự ngang nhiên chống lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp và Tổng cục THADS.
Ngày 18/12/2018, Cục trưởng Hưng kí văn bản thay đổi Chấp hành viên từ ông Võ Văn Xuân sang ông Đặng Hoàng Yên. Ngay tức thì, Chấp hành viên Đặng Hoàng Yên kí Quyết định 07/QĐ-CTHADS (Quyết định 07) ngày 18/12/2018 tái lập việc ngăn chặn 13 quyền sử dụng đất đứng tên Công ty Hồng Phát cho đến khi các bên thi hành xong Phán quyết Trọng tài. Ngày 6/3/2019, Cục trưởng Bùi Phú Hưng hạ bút kí Quyết định số 06/QĐ-CTHADS (Quyết định 06), “giữ y Quyết định 07” nhằm tạo điều kiện cho hai bên thi hành Phán quyết Trọng tài.
Thông báo thay Chấp hành viên từ ông Võ Văn Xuân sang ông Đặng Hoàng Yên ngày 18/12/2018
Quyết định 07/QĐ-CTHADS ngày 18/12/2018 do Chấp hành viên Đặng Hoàng Yên kí
Quyết định số 06/QĐ-CTHADS ngày 6/3/2019, do Cục trưởng Bùi Phú Hưng kí “giữ y Quyết định 07″
Quá rõ ràng, việc kí ban hành Quyết định số 06, “giữ y Quyết định 07”, Cục trưởng Bùi Phú Hưng không chỉ thể hiện chống lại sự chỉ đạo của cấp trên mà còn thể hiện sự đảo ngược hàng loạt văn bản do chính ông Hưng vừa mới kí trước đó. Xin hỏi Cục trưởng Bùi Phú Hưng “tạo điều kiện cho hai bên thi hành Phán quyết Trọng tài” như thế nào khi chính ông trước đó đã khẳng định “Phán quyết Trọng tài không thi hành được”?.
Rõ ràng với các văn bản “sáng đúng, chiều sai”, thể hiện sự bất chấp quy định pháp luật đã đẩy việc thi hành Phán quyết Trọng tài vào bế tắc, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, không thể khắc phục. Tất cả đã rơi vào “chiếc bẫy” do CPL bày ra.
Qua nhiều tài liệu chứng cứ và thực tế đã minh chứng Công ty Hồng Phát luôn nghiêm túc thực thi Phán quyết Trọng tài dù Phán quyết này lộ rõ vi Hiến. Với tư cách là chủ đầu tư, đã đổ vào Dự án hơn 1.000 tỉ đồng, nếu kéo dài việc thi hành Phán quyết Trọng tài thì Công ty Hồng Phát gánh trọn thiệt hại.
Ngược lại, phía CPL khởi kiện để có được Phán quyết Trọng tài “như ý”, nhưng không thực thi mà lấy Phán quyết Trọng tài làm “kim bài” để “khiển” Cơ quan THADS “xoay lòng vòng” đến “loạn đầu, nhức óc” rồi sa lầy. CPL đã lộ rõ dấu hiệu mượn tay Cơ quan THADS để chống phá, làm tê liệt Dự án suốt một thời gian dài bằng thủ đoạn ngăn chặn 13 Quyền sử dụng đất của Công ty Hồng Phát nhằm ý đồ riêng.
Tạp chí Ngày mới online đã chứng minh rõ ràng CPL khởi kiện yêu cầu thành lập Công ty liên doanh nhưng đích cuối cùng mà CPL muốn đạt được là đòi “chia 130 ha đất” cắt ra từ 13 Quyền sử dụng đất của Công ty Hồng Phát.
Bằng chứng là ngay sau khi được Cục THADS tỉnh Long An ngăn chặn 13 Quyền sử dụng đất, CPL đã lộ nguyên hình: CPL muốn “trảm” Phán quyết Trọng tài, “khai tử” Dự án, ra yêu sách “đòi chia 130 ha đất”. CPL có nhiều văn bản gửi các cơ quan chức năng, điển hình là Văn bản ngày 15/8/2019, gửi lãnh đạo Chính phủ, xác định rõ: “Mâu thuẫn giữa CPL và Hồng Phát kéo dài, không thể tháo gỡ, hai bên hợp tác thành lập Công ty liên doanh là không còn khả thi, nên “chia đất” cho CPL là giải pháp duy nhất để giải quyết dứt điểm tranh chấp”.
Văn bản ngày 15/8/2019 của CPL gửi Thủ tướng Chính phủ, khẳng định:”Chia đất cho CPL là giải pháp duy nhất để giải quyết dứt điểm tranh chấp”.
Để đạt được mục đích “chia đất”, CPL không từ bất kỳ thủ đoạn nào, kể cả việc yêu cầu UBND tỉnh Long An buộc Công ty Hồng Phát phải tạm dừng triển khai thực hiện Dự án. Yêu cầu hết sức phi lý, hoàn toàn trái quy định pháp luật của CPL vẫn được Chủ tịch UBND tỉnh Long An kiêm Trưởng Ban chỉ đạo THADS tỉnh chấp thuận bằng Văn bản số 82/BB-UBNDngày 13/11/2019. Lệnh tạm dừng ghi rõ trong văn bản là 2 tháng nhưng kéo dài đến nay đã gần 28 tháng Chủ tịch UBND tỉnh Long An vẫn duy trì.
Sau khi hai lệnh “cấm vận” được ban hành, Bộ Tư pháp có ngay văn bản do Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh kí ngày 18/11/2019, đề xuất Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Long An sớm có kết luận về đề nghị của CPL đòi “chia 130 ha đất”. Văn bản này còn thể hiện một vấn đề rất khó tin mà Tạp chí Ngày mới online đã phản ánh: Chính Tổng cục THADS đã chỉ đạo Cục THADS tỉnh Long An ban hành Quyết định 07 theo yêu cầu lãnh đạo Bộ Tư pháp (?!). Điều này đã lý giải vì sao Cục trưởng Bùi Phú Hưng và Chấp hành viên Đặng Hoàng Yên có dấu hiệu ra mặt thể hiện “yểm trợ” cho CPL nhằm thực hiện ý đồ “chia đất”, chứ không phải thực thi Phán quyết Trọng tài.
Là chủ đầu tư, Công ty Hồng Phát đã và đang phải gánh chịu “một cổ, hai tròng”: vừa bị Cục THADS tỉnh Long An ngăn chặn 13 Quyền sử dụng đất; vừa bị Chủ tịch UBND tỉnh Long An buộc dừng triển khai thực hiện Dự án khiến cho Dự án bị “cấm vận” toàn diện.
Không chỉ “yểm trợ” CPL chống phá Dự án, khiến Công ty Hồng Phát phải gánh chịu thiệt hại hơn 900 tỉ đồng; hai lệnh “cấm vận” còn gây nhiều hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác. Dễ nhìn thấy nhất là toàn bộ 232,66ha đất (hơn 2,326 triệu m2) nằm ngay mặt tiền dẫn ra Quốc lộ 22 giáp ranh TP. Hồ Chí Minh, trị giá nhiều nghìn tỉ đồng ngày đêm phơi nắng, phơi sương, gây lãng phí vô cùng tận về nguồn tài nguyên đất. Hai lệnh “cấm vận” còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư cũng như sự phát triển kinh tế, gây mất an ninh trật tự tại địa phương…
Dù Quyết định 07 và Quyết định 06 đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nhưng Cục trưởng Bùi Phú Hưng và Chấp hành viên Đặng Hoàng Yên không chút lo ngại? Trong khi đó, cả 2 Quyết định 07 và 06 lộ rõ trái pháp luật ban hành đã hơn 3 năm nhưng Cục THADS tỉnh Long An vẫn cho “ngâm”, bất chấp hậu quả bày ra trước mắt, cũng như vô cảm trước sự kêu cứu đến tuyệt vọng của Công ty Hồng Phát.
Về phía CPL vẫn luôn xác định “chia đất” là giải pháp duy nhất. Vì thế, suốt 3 năm qua, CPL trước sau chỉ muốn chia và chia 130ha đất, hoàn toàn không muốn thi hành Phán quyết Trọng tài. Vậy mà Cục trưởng Bùi Phú Hưng không có biện pháp xử lý một loạt hành vi của CPL, cụ thể như không thi hành Phán quyết Trọng tài, mà đòi khai tử Dự án, yêu cầu chia 130ha đất…
Theo nhiều chuyên gia pháp lý, quá trình thi hành Phán quyết Trọng tài, CPL (bên được thi hành án) đã thể hiện ý chí bằng văn bản:”Chia đất cho CPL là giải pháp duy nhất để giải quyết dứt điểm tranh chấp”. Và CPL còn xác định rõ: “Mâu thuẫn giữa CPL và Hồng Phát kéo dài, không thể tháo gỡ, hai bên hợp tác thành lập Công ty liên doanh không còn khả thi. Đây chính là kết quả mà bên được thi hành án là CPL muốn đạt được.” Theo quy định của pháp luật đầu tư, việc thành lập Công ty liên doanh mang tính tự nguyện, không ai được áp đặt, hay làm thay. Với yêu cầu của CPL, Cục THADS tỉnh Long An nên lập biên bản ghi nhận và phải đình chỉ thi hành án theo quy định của pháp luật về THADS.
Việc Cục THADS tỉnh Long An duy trì Quyết định 07 và Quyết định 06, nhằm cưỡng buộc hai bên Hồng Phát và CPL thành lập Công ty liên doanh là không khả thi, trái với ý muốn của CPL, khiến cho việc thi hành án kéo dài gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Đây là dấu hiệu rõ nhất về hành vi “xâm phạm hoạt động tư pháp” của Cục trưởng và Chấp hành viên Cục THADS tỉnh Long An…
Qua phản hồi của Tạp chí Người cao tuổi, Tạp chí Ngày mới online, chúng tôi mong Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An nhận ra bản chất của vụ việc, chỉ đạo thi hành án tuân thủ quy định pháp luật trước khi quá muộn, không còn cách cứu vãn. Trên tinh thần thượng tôn pháp luật và tôn trọng sự thật khách quan, Tạp chí Ngày mới online sẵn sàng đón nhận phản hồi tiếp theo!
Dưới đây là một số hình ảnh của Dự án đã triển khai
Nam Huy
(Theo PVPL)