Kỳ án ở Đắk Nông: Không chiếm hưởng đồng nào, 3 bị cao lãnh 15 năm tù về tội… “lừa đảo”

0
34

(DNVH) Tại bản án sơ thẩm lần 1, Nguyễn Đức Phú bị TAND tỉnh Đắk Nông phạt 7 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bản án này đã bị TAND Cấp cao tại TPHCM tuyên hủy toàn bộ vì chưa làm rõ được hành vi chiếm đoạt của các bị cáo cũng như hành vi “cho vay lãi nặng” và “bắt giữ người trái pháp luật” của bị hại Nguyễn Thị Thúy Hằng cùng chồng và các đối tượng khác. Tại bản án sơ thẩm lần 2, Phú bị TAND tỉnh Đắk Nông “y án” 7 năm tù, nên tiếp tục kêu oan…

Vướng lao lý vì… sợ “mất thành tích” (?!)

Theo hồ sơ và đơn kêu oan của Nguyễn Đức Phú (SN 1994, ngụ xã EaNing, H.Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk), vụ án được tóm tắt như sau: Tháng 8/2018, vợ chồng Chu Nguyễn Hoàng Giang (SN 1982) và Nguyễn Thị Ánh (SN 1987, cùng ngụ xã Đức Mạnh, H.Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) được nhờ đứng tên trên 2 giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất tại H.Đắk Mil để vay ngân hàng (NH). Trong đó, Giang đứng tên GCN thửa số 61 với 37.760m2; Ánh đứng tên GCN thửa 1700 với 200m2.

Giang, Ánh mang 2 GCN nhờ Trương Thị Thanh Thủy (SN 1990, ngụ H.Đắk Mil) liên hệ Phú là cán bộ tín dụng của Ngân hàng BIDV – Phòng giao dịch (PDG) Đắk Mil, làm hồ sơ vay. Ngày 24/10/2018, PGD Đắk Mil ký hợp đồng tín dụng (HĐTD) cho Giang – Ánh vay 800 triệu đồng, thời hạn 11 tháng, thế chấp 2 GCN 2 thửa đất, được NH định giá 1,25 tỷ đồng.

Đến kỳ hạn, Giang – Ánh không đóng lãi. Nhận thấy hồ sơ có nguy cơ thành “nợ xấu”, sẽ ảnh hưởng đến thành tích, Phú báo cáo Giám đốc (GĐ) PGD là ông Hoàng Minh Tiến. GĐ Tiến đốc thúc Phú phải thu hồi nợ.

Nguyễn Đức Phú liên tục kêu oan

Phú đề nghị cho Giang – Ánh vay tiền bên ngoài để đáo hạn với 2 phương án: 1/ Sau khi tất toán, NH cho vay lại 900 triệu đồng (dư 100 triệu để xoay xở, đóng lãi). 2/ Trả nợ NH xong thì bán 2 thửa đất, lấy tiền trả chủ nợ cho vay (hoặc bán cho chính chủ nợ để cấn trừ). Giang – Ánh muốn “thoát nợ” nên chọn phương án 2, nhưng chưa có ai cho vay.

Phú nhờ bà Thủy tìm người cho Giang – Ánh vay đáo hạn. Bà Thủy liên hệ bà Nguyễn Thị Thúy Hằng (SN 1980, ngụ xã Đức Minh, H.Đắk Mil, chuyên cho vay) hỏi vay tiền. Ngày 06/5/2019, Phú làm đề xuất và soạn HĐTD vay lại 900 triệu, được GĐ Tiến ký duyệt. Phú đưa HĐTD để Giang – Ánh mang cho 2 bà Hằng – Thủy xem. Bà Hằng đồng ý cho vay 800 triệu đồng, lãi 4 triệu đồng/ngày, đưa trước.

Hai bên ký “giấy vay tiền” (GVT) ngày 07/5/2019 do bà Hằng soạn, xác định: Số tiền vay 800 triệu để “đáo hạn”, thời gian 2 ngày, từ 07 – 08/5/2019.

Lúc 13 giờ 30 phút ngày 07/5/2019, bà Hằng mang 800 triệu đến PGD đưa Giang – Ánh giao nhân viên NH để tất toán. Đến 16 giờ 30, bà Hằng quay lại PDD nhưng không thấy Giang – Ánh. Trước đó, Phú đã thống nhất 2 người này, sau khi nộp tiền thì lánh mặt, để NH không giải ngân.

Bị hại Hằng ký nhận 500 triệu đồng của ông Nguyễn Đức Bình

Đến 21 giờ 30, Phú ra khu vực Hồ Tây, thị trấn Đắk Mil theo yêu cầu bà Hằng. Đến nơi, Phú bị Nguyễn Văn Toàn (chồng bà Hằng) đánh gây thương tích rồi đưa lên ôtô đến nhà Giang – Ánh. Tại đây, bà Hằng yêu cầu Phú phải giải ngân 900 triệu đồng. Sau khi hứa “sẽ trao đổi với GĐ Tiến”, Phú được bà Hằng đưa trở lại Hồ Tây.

Ngày 08/5/2019, GĐ Tiến không đồng ý cho vay lại. Như đã cam kết trong “GVT”, Giang – Ánh đã sang tên cho bà Hằng 2 thửa đất được công chứng ngày 20/5/2019. Bà Hằng viết giấy định giá” 2 thửa đất “khoảng 378 triệu đồng”.

Đã nhận 2 GCN nhưng ngày 06/6/2019, bà Hằng làm đơn tố cáo Phú, Giang, Ánh, và GĐ Tiến cấu kết chiếm đoạt 800 triệu đồng. Ngày 05/5/2020, Phú, Giang, Ánh bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Khi bị hại buộc nộp 36 triệu đồng án phí (?!)

Xét xử sơ thẩm ngày 13/5/2021, TAND tỉnh Đắk Nông với HĐXX gồm 2 Thẩm phán Nguyễn Hồng Chương (Chủ tọa), Lương Đức Dương và 3 Hội thẩm: Phan Thị Năm, Lê Thị Hương, Phạm Thị Hường, tuyên phạt Phú 7 năm tù, Giang và Ánh mỗi bị cáo 4 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cả 3 bị cáo kháng cáo. TAND Cấp cao tại TPHCM mở phiên xét xử ngày 14/01/2022, tuyên Bản án phúc thẩm số 47/2022/HS-PT (Bản án 47), hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

Ngày 31/3/2023, TAND tỉnh Đắk Nông mở phiên sơ thẩm lần 2 với HĐXX gồm 2 Thẩm phán Lê Quốc Hương (Chủ tọa), Võ Văn Vinh và 3 Hội thẩm: Vũ Xuân Mai, Trần Hồng Phong, Bùi Xuân Vấn, tuyên án tù 3 bị cáo y như lần 1.

HĐXX buộc Ngân hàng BIDV – chi nhánh Đắk Nông trả lại bà Hằng 800 triệu đồng. Bị hại Hằng phải trả lại ông của Nguyễn Đức Bình (bố bị cáo Phú) 500 triệu đồng; trả lại Giang – Ánh 100 triệu và trả cho BIDV 200 triệu (tương đương giá trị thửa đất 1700, bà Hằng đã bán 240 triệu đồng).

Bị hại Hằng ký nhận “thêm” 100 triệu đồng của Giang – Ánh

Bị hại Nguyễn Thị Thúy Hằng ký nhận 2 thửa đất

Phú kháng cáo kêu oan. Bị cáo thừa nhận đã làm sai vì nóng lòng muốn thu nợ cho NH, nhưng hoàn toàn không chiếm đoạt tiền của bà Hằng. Bản án sơ thẩm lần 2 không chỉ lộ rõ oan sai, mà còn có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Phú và nhóm luật sư trợ giúp pháp lý chứng minh cả 3 vấn đề cốt lõi mà TAND Cấp cao tại TPHCM đã chỉ ra trong Bản án 47, tòa sơ thẩm chưa làm rõ nhưng lại “y án”.

Thứ nhất, Bản án 47 xác định: Mặc dù Phú có ý định gian dối nhưng mục đích nhằm thu hồi nợ xấu cho NH. Giang – Ánh đều thừa nhận Phú kêu lánh mặt để Phú tìm người khác đứng tên giùm trên 2 GCN vay tiền trả lại bị hại (do Giang, Ánh không muốn vay lại). Phú không chiếm đoạt tiền sử dụng cá nhân.

Ngay từ đầu, bà Hằng biết rõ mục đích các bị cáo vay tiền để nộp NH. Khoản tiền 800 triệu đồng đã được sử dụng đúng mục đích đó. Đích thân bà Hằng mang tiền đến PGD, giám sát Giang – Ánh nộp tiền cho NH.

Thứ hai, mấu chốt của vụ án chính là “GVT” ngày 07/5/2019. Bản án 47 xác định: Khi NH trả lại 2 GCN thì Giang – Anh đã giao cho bà Hằng để đảm bảo thu hồi nợ. Bà Hằng không thể mất tiền cho vay khi NH không cho các bị cáo vay lại. Giang, Ánh đã thực hiện đúng theo cam kết trong GVT.

Chính bị hại Hằng thừa nhận tại bản tự khai ngày 01/6/2020: “Giang – Ánh vay 800 triệu đồng để đảo nợ NH. Sau đó, NH không cho vay lại, Giang – Ánh trả tiền vay cho tôi bằng cách rút GCN từ NH chuyển cho tôi, gồm thửa đất 1700 giá 200 triệu đồng; thửa đất 61 giá 187 triệu đồng. Tháng 3/2020, tôi chuyển nhượng thửa đất 1700 lại cho người khác giá 240 triệu đồng…”.

HĐXX phúc thẩm nhấn mạnh: Nếu thửa đất 61 có giá trị 1 tỷ đồng như hồ sơ thẩm định của NH thì vụ án không xảy ra vì bị hại Hằng thu đủ, thậm chí cao hơn số tiền cho vay khi đã nhận 2 thửa đất.

Các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Đắk Nông đã cho thẩm định giá 2 thửa đất. Kết quả được nêu rõ trong bản án sơ thẩm lần 2: Tại thời điểm tháng 5/2019, thửa đất 61 (37.760m2) có giá 747,64 triệu; thửa đất 1700 có giá 353,14 triệu. Tổng giá trị 2 thửa đất hơn 1,1 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với số tiền 800 triệu đồng của bị hại Hằng cho vay. Chưa hết, ngày 26/03/2020, bị hại còn nhận tiếp 100 triệu đồng của Giang – Ánh.

Thứ ba, bị hại Hằng thực hiện một loạt hành vi trái pháp luật. Bản án 47 xác định: “Cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm chưa làm rõ hành vi cho vay nặng lãi và bắt giữ người trái pháp luật của bị hại Hằng cùng chồng và các đối tượng khác”. Bản án 47 nêu: Việc NH chưa giải ngân ngày 07/5/2019 cho Giang – Ánh cũng chưa hết thời hạn vay, nhưng bị hại Hằng cùng chồng và một số đối tượng khác lại gây áp lực, bắt giữ và đánh bị cáo Phú trong đêm 07/5 là hành vi trái pháp luật.

Bị cáo Phú trình bày trong đơn kêu oan: Đã nhận 2 thửa đất giá trị hơn 1,1 tỷ đồng, nhưng bà Hằng “định giá” rất thấp rồi làm đơn tố cáo để lấy thêm tiền. Sau khi lấy 100 triệu đồng của Giang – Ánh, bà Hằng viết giấy khẳng định: “Chị Ánh trả thêm 100 triệu đồng. Tôi không yêu cầu vợ chồng Giang – Ánh phải trả cho tôi nữa”. Chỉ 2 ngày, sau khi Phú bị khởi tố, bắt tạm giam (ngày 09/05/2020, tại ngoại ngày 03/6/2020), bà Hằng nhận tiếp 500 triệu đồng của ông Bình ngày 11/5/2020.

Như vậy, tại thời điểm tháng 5/2020, ngoài 844 triệu đồng đã bỏ túi (gồm 240 triệu bán thửa đất 1700; 100 triệu của Giang – Ánh; 500 triệu của ông Bình và 4 triệu đồng tiền lãi), bà Hằng còn “dư” thửa đất 37.760m2, trị giá 747,64 đồng.

Nghiên cứu hồ sơ vụ án, Thạc sĩ – Luật sư Nguyễn Nguyện Xuân Thảo (Giám đốc Công ty Luật SaiGon Shield, TPHCM) nêu quan điểm: Cả 2 lần xử sơ thẩm, TAND tỉnh Đắk Nông đều kết tội Phú, Giang, Ánh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nhưng không thể nào buộc 3 bị cáo “hoàn trả lại tài sản” do họ không chiếm đoạt. Tòa quay sang buộc “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” là Ngân hàng BIDV – chi nhánh Đắk Nông và bị hại Hằng có trách nhiệm “hoàn trả” do đã sai trong việc chiếm giữ tiền của người khác, đồng thời phải nộp 72 triệu đồng án phí, chia đều cho cả hai. Như vậy, trong vụ án này, ai đã chiếm đoạt tài sản? Ai đã hưởng lợi số tiền bị chiếm đoạt? Vì sao bị hại Hằng lại nhận “thêm” 600 triệu đồng sau khi đã nắm trong tay 2 thửa đất có giá trị vượt số tiền cho vay?… Những vấn đề này tòa sơ thẩm “bỏ ngỏ”, chắc chắn sẽ được làm rõ trong phiên tòa phúc thẩm sắp diễn ra.

Nam Huy

(Theo Báo Công An TP.HCM)