“Mình ơi, xin đừng qua sông” – Bộ phim sẽ giúp bạn hiểu thấu thế nào là một tình yêu phi thường

0
400

Là đoạn cuối câu chuyện tình dài hơn 75 năm, “Mình ơi, xin đừng qua sông” mang giá trị chân thật và đầy nhân văn về định nghĩa của tình yêu từ những điều phi thường nhỏ bé.

Chắc hẳn trong chúng ta ai cũng từng một lần thầm hỏi, tuổi trẻ của mình thế nào là yêu đúng và thế nào là dài lâu? Sự giản đơn mà tinh tế của bộ phim “Mình ơi, xin đừng qua sông” sẽ không chỉ dừng lại ở việc lấy đi nước mặt của bạn mà nó còn giúp bạn hiểu rõ hơn về khái niệm của yêu thương đúng nghĩa. Thước phim tài liệu gắn liền với câu chuyện thật của ông bà Jo Byeong-man và Kang Kye-yeol sẽ mang đến cho chúng ta chuyến du hành tương lai về một tình yêu răng long đầu bạc mà ai cũng từng mơ ước.

Giữa cái lạnh tê tái của xứ Kim Chi, hình ảnh ông bà Jo Byeong-man và Kang Kye-yeol thật sự làm người ta ấm lòng khôn xiết. Cứ tưởng tuổi trẻ yêu nhau người ta mới dành cho nhau những niềm vui ngây ngô như vậy. Hóa ra khi chàng đã gần 100 và nàng đã ngoài 80 thì tâm hồn của họ vẫn như những thuở mới vừa mặn nồng bên nhau. Chuyện tình yêu 75 năm tưởng dài nhưng cảm giác như họ vẫn vừa ngoài 20. Tuổi trẻ chúng ta bây giờ, thật hiếm để tìm ra một tình yêu dài lâu đến thế.

Không biết có bao nhiêu lần chúng ta chọn cãi vã nhau chỉ để giành phần thắng đối với người mình yêu. Nhưng thay vì to tiếng sao mình không thể nhịn nhường nhau một vài chuyện để cùng vui cười cùng nhau? Bà Kang Kye-yeol đã từng chia sẻ: “Ông ấy chẳng bao giờ chê cơm tôi nấu. Cho cái gì cũng khen ngon. Hôm nào đồ ăn ngon thật thì ăn nhiều, không ngon thì ăn ít”. Rõ ràng trong tình yêu, cả hai đều có thể thấu hiểu được nhau nhưng không phải ai cũng có thể nhường nhịn nhau đúng lúc. Một tình yêu “đầu bạc răng long” cảm thông và nhường nhịn chính là con đường đưa cả hai đi đến hạnh phúc.

Nên duyên từ lúc bà Kang Kye-yeol chỉ là một cô gái vừa mới 14 tuổi. Chưa một lần ông Jo Byeong-man ngừng quan tâm và chăm sóc cho bà dù chỉ là một hành động nhỏ. Vì biết bà yêu hoa nên ông không ngại cài hoa lên tóc, vì sợ bà khó nhọc chưa một lần ông than vãn câu nào khi giúp đỡ bà. Đi cùng nhau suốt 75 năm ròng rã, chưa bao giờ ông buông bỏ cái nắm tay. Những điều nhỏ nhặt mà đôi lúc chúng ta quên đi, đó không phải không nhớ mà là người bên cạnh chưa thật sự quan trọng đối với mình. Nếu đã là thứ quan trọng nhất thì mình sẽ luôn luôn trân trọng. Cho dù đóa hoa cài lên tóc chỉ là bông cúc dại ven đường bạn hãy nhìn xem, ánh mắt họ vẫn ngập tràn trong hạnh phúc đó thôi. Tình yêu cho đi là tình yêu nhận lại. Chứ ai đời mong muốn lâu dài mà chẳng mấy đoái hoài đến tình yêu?

Chúng ta của những năm tháng tuổi trẻ thật khó để hiểu rõ được thế nào là yêu. Mãi cho sau này, khi trải đủ nhiều, hiểu đủ sâu về tình yêu, nó vẫn là một khái niệm dễ tin nhưng mình sẽ không còn hoài nghi nhiều về nó nữa. Lúc đó, tình yêu không còn là yêu nhau nữa. Nó là thương nhau. Thương nhau một cách bình yên và phi thường. Ngần ấy năm yêu thương nhau nhưng thật phi thường để bà Kang Kye-yeol có thể đồng hành cùng chặng đường tranh đấu với bệnh tật của chồng mình. Nhìn thấy người mình thương ngày một yếu đi trong bất lực rồi tự mình khép lại chuyện tình dài cứ ngỡ là thiên thu. 3 tháng chống chọi cùng bệnh tật cuối cùng đã cướp đi mạng sống của ông Jo Byeong-man. Thước phim tài liệu cũng dần khép lại tại đây, cùng những hình ảnh đau lòng những vô cùng trọn cùng câu nói của bà Kang: “Em về nhé, mình ơi…”.

Giờ thì bạn đã hiểu tại sao người ta hay trao nhau lời yêu thương thay vì thương yêu? Vì chúng ta luôn chọn yêu nhau trước tiên, nhưng nếu muốn kiên bền mà đi tiếp, mình cần phải thương nhau nữa, “Mình ơi, xin đừng qua sông” thật sự là một bài học đắt giá về yêu và thương mà chúng ta nên trải nghiệm để hiểu cuộc sống nhiều hơn và chọn cho mình một tình yêu thương đúng nghĩa.

Phim chính thức khởi chiếu toàn quốc từ hôm nay.

Phạm Thanh Hùng